đặc sản Nha Trang
Ẩm Thực Đặc sản 3 miền

Thưởng thức đặc sản Nha Trang – đã “đẹp” lại còn “ngon”

7 phút, 20 giây để đọc.

Đặc sản Nha Trang được biết đến với những hải sản khô phong phú, đa dạng và nhiều loại bánh ngon rất thích hợp làm quà cho gia đình và bạn bè. Nha Trang có đầy đủ cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực quanh năm, thời tiết mát mẻ. Rất thuận tiện để đến Nha Trang, đây cũng là nơi bạn nhất định phải mua những đặc sản nổi tiếng khi du lịch Nha Trang. Dưới đây là những đặc sản Nha Trang mà bạn nên thưởng thức 1 lần và có thể mua về làm quà. Nào cùng dautuweb điểm danh những đặc sản này nhé!

Nem nướng Ninh Hoà

Nem nướng Ninh Hoà

Nguồn gốc

Nem nướng Ninh Hòa là một loại nem nướng có nguồn gốc từ Ninh Hòa – một huyện phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Một món nướng ngọt thơm kết hợp với nước chấm và các loại rau kèm theo làm cho món ăn trở nên hấp dẫn không chỉ những người dân địa phương mà còn hấp dẫn những du khách gần xa.

Một phần nem nướng bao gồm nem nướng kèm bánh tráng chiên, rau sống, dưa leo, đồ chua, bánh tráng và nước chấm. Bánh tráng chiên giòn là loại bánh tráng màu nâu có thành phần đường mía nên vị hơi ngọt, khi chiên lên có mà sậm, dễ bị “yểu” nếu không bảo quản cẩn thận trong túi. Hai loại bánh tráng này đều là sản phẩm đặc trưng của làng nghề bánh tráng Diên Hòa, Diên Thủy (thuộc thị trấn Diên Khánh), thường được dùng để cuốn chả ram (chả giò) hay cuốn nem. Phần rau của nem Ninh Hòa không xôm tụ, bắt mắt như dĩa rau của món bánh tráng Trảng Bàng, chỉ gồm vài loại rau thơm, xà lách, nhưng lại đặc biệt bởi mấy cọng hẹ sẻ xanh mượt.

Nước chấm

Điểm đặc trưng của nem Ninh Hòa chính là nước chấm. Nước chấm nem Ninh Hòa đặc biệt bởi sự kết hợp của thịt nạc xay, nếp và màu điều. Nước chấm luôn được giữ ấm trong một nồi điện, để đảm bảo thành phần nếp trong nước chấm không bị sệt lại. Mỗi khi có khách mới múc ra chén dùng ngay.

Thưởng thức

Bạn chỉ cần đặt bánh tráng lên bàn tay, tiếp theo là xếp các loại rau sau đó đến miếng bánh tráng chiên giòn rồi cuối cùng là nem nướng. Sau đó cuộn lại và dùng với nước chấm. Điều này đã tạo nên sự đặc sắc và hấp dẫn của món ăn nem nướng Ninh Hòa. Ăn miếng nem Ninh Hòa có vị chát của chuối, hành hăng, xoài chua, hẹ thơm, chút giòn giòn của bánh tráng, nem ngon, thấm đượm cái ngon lành của nước chấm không đâu có được.

Bánh xèo mực Nha Trang

Bánh xèo mực là sự kết hợp giữa hương vị của gạo, mực, tôm, hành và giá đỗ. Cách làm bánh xèo mực cũng đơn giản, vỏ bánh xèo mực được làm từ bột gạo. Nhưng nhân lại làm bằng tôm, giá đỗ và đặc biệt không thể thiếu mực tươi. Tôm và mực mới đánh bắt về; lựa chọn kĩ, rửa sạch, phải để nguyên con, không được mổ để giữ cho mực có mùi vị thơm ngon nhất.

Người ta cho ít dầu ăn vào khuôn, láng đều để bánh không bị dính đồng thời để tăng độ béo và mùi thơm của bánh. Sau đó cho tôm và mực vào trước để chúng chín sơ qua. Cuối cùng cho bột vào, rắc giá đỗ lên trên cùng, rồi đậy nắp lại chờ bánh chín và xúc ra. Chiếc bánh xèo mực sau khi được lấy ra khỏi khuôn, sẽ được ăn kèm với rau sống gồm xà lách, cải xanh, rau diếp cá, rau đắng, rau mùi,… chấm với nước mắm chua ngọt.

Lẩu mực Đại Lãnh

Lẩu mực Đại Lãnh

Điểm đặc biệt của lẩu mực Đại Lãnh là mực ở đây rất tươi. Vì người dân Đại Lãnh chuyên hành nghề đánh bắt mực bằng cách câu, giăng mành hoặc nhử lồng. Lúc nào cũng đủ các loại mực ống, mực cơm, mực nang tươi rói. Chủ quán ở đây dùng mực ống, mực cơm để nấu lẩu; đĩa mực lúc dọn lên còn tươi nguyên, trong veo, nhìn thấy cả da mực óng ánh nữa.

Lẩu mực gồm một nồi nước súp. Trong đó có cà chua, dứa chín, gừng và một số gia vị khác kèm theo. Chiếc bàn dùng để ăn lẩu ở Đại Lãnh cũng hay hay. Vì được chủ quán thiết kế có một “lỗ thủng” ở giữa. Người ngồi xung quanh, nồi nước lẩu bắc lên trên chỗ “lỗ thủng” đó. Ngoài nồi nước, một suất lẩu mực còn có một đĩa mực tươi đầy; một đĩa rau gồm mồng tơi, cải xanh, măng tươi, giá đỗ, hành tây, hành lá, một loại quả gọi là bắp còi; và một đĩa bún tươi cùng đầy đủ các loại mắm, ớt. Khi nồi nước đã sôi, cho mực và rau vào; đợi nước sôi lại lần nữa là có thể ăn được.

Nghe kể trước kia các quán có thời gian bán “lẩu bụng”, tức là khách đến ăn lẩu mực cứ ăn no rồi tính tiền cố định theo “bụng” cho mỗi người. Kiểu này giống như mua vé vào tham quan các vườn trái cây ở miền Tây, cứ ăn thoải mái chứ không được mang trái ra ngoài. Còn bây giờ thì hầu hết các quán đều bán lẩu theo phần, mỗi phần lẩu khoảng 3 – 4 người ăn. Nếu muốn ăn nhiều mực hơn thì cứ thoải mái gọi thêm.

Bún mực Vạn Ninh, Nha Trang

Ẩm thực Nha Trang đã trở thành nét văn hóa đặc trưng với những món ăn ngon, đậm chất miền biển như: Bún sứa, cua Huỳnh Đế, tôm hùm Bình Ba,… Trong số đó có một món rất đắc sắc đó là món bún mực Vạn Ninh. Đây là một món ăn khá đơn giản, dễ làm nhưng hương vị lại đặc biệt thơm ngon.

Bún mực là món “cây nhà lá vườn” của vùng biển lắm mực nhiều cá – Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nấu bún mực nhanh và dễ, chỉ độ dăm phút là xong. Người ta thường chọn những chú mực ống màu tím bằng ngón tay cái không quá lớn và không quá nhỏ; bụng chứa đầy trứng, cắt làm đôi, rửa sạch, để vào rổ ráo nước. Thơm (dứa), cà chua xắt mỏng, rau ngổ cắt ngắn. Sau đó bắc nồi nước sôi, cho cà chua, thơm vào nấu trước rồi cho mực vào. Khi thấy mực chín săn lại thì nêm thêm gia vị cho hợp khẩu vị.

Tại các quán ăn, khi có khách vào thì đầu bếp mới bắt đầu làm bún mực, chứ họ không làm trước như nhiều món ăn khác. Cho bún vào tô, múc nước lèo chan vào; bún mực ăn kèm rau thơm, bắp chuối cắt mỏng thành sợi; thêm đĩa nước mắm ớt đỏ nữa là tuyệt.

Sò huyết Thủy Triều ở Nha Trang

Sò huyết Thủy Triều ở Nha Trang

Sò huyết Thủy Triều là một trong những món không những ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Nó được mệnh danh là loài hải sản vua trong các loài hải sản. Thịt sò huyết có vị ngọt, mặn, không độc. Có tác dụng bổ huyết, chữa được nhiều bệnh như huyết hư, thiếu máu,… Sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất và vitamin,… Giá trị dinh dưỡng cao giúp tăng sức dẻo dai cho cơ thể.

Sò huyết có thể chế biến được nhiều món như: Sò nướng, hấp bia với sả ớt, sò xốt me, sò huyết nướng mỡ hành, nướng bơ tỏi. Bí kíp để có những món sò ngon là phải chọn những con không quá to hay quá nhỏ. Nếu sò quá nhỏ dễ bị teo lại khi chế biến nên ăn không ngon. Nếu sò quá to lúc chín sẽ quá dai.

Nghe đồn còn một món ăn nữa mà nhiều người sành ăn khoái khẩu là gỏi sò huyết. Sò huyết làm gỏi chỉ được hấp vừa chín tới, tách vỏ và lấy phần thịt. Sò có thể cắt đôi hoặc để nguyên con; trộn gỏi với hành tím, thêm ít nước mắm chua ngọt. Có một điểm chung là trong quá trình chế biến tất cả các món liên quan đến sò huyết là không nên nấu chín mà phải ăn ở dạng chín tái mới ngon. Nếu có dịp qua vùng đất Khánh Hòa của Nha Trang, các bạn đừng quên thưởng thức đấy nhé.

Nguồn: 24h.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.