đặc sản của người HMông
Ẩm Thực Đặc sản 3 miền

Người H”Mông luôn tự hào với những món đặc sản độc đáo

8 phút, 41 giây để đọc.

Người H”Mông từ bao đời nay sinh sống trên vùng núi cao, vùng sâu vùng xa Tây Bắc hùng vĩ, tạo nên vốn văn hóa đậm đà bản sắc và làm phong phú thêm “vườn” văn hóa của các dân tộc. Về những người ở bản Mông ở phía Tây Bắc, sự hấp dẫn và phong phú của thực phẩm làm tăng thêm sự ấm cúng và nét độc đáo của cuộc sống người dân nơi đây. Ở những nơi xa xôi, ẩm thực của người H”Mông được “chiết xuất” từ cuộc sống khó khăn và đầy tự hào của những con người quanh năm kiên cường đối mặt với khó khăn, cơ cực. Hãy cùng dautuweb tìm hiểu 5 món đặc sản của người H”Mông nhé!

Đặc sản Thắng cố của người H”Mông

Món ăn truyền thống người H”Mông

Thắng cố là món ăn truyền thống của người H'Mông

Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông, xuất hiện cách đây 200 năm khi người H’Mông về Bắc Hà – Lào Cai cư trú, sau được các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Thái,…học tập, trở thành món ăn phổ biến không thể thiếu của các dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt là trong các phiên chợ của đồng bào dân tộc vùng cao.

Thắng cố truyền thống của người H’Mông chỉ được nấu từ ngựa, sau được các dân tộc khác cải biến thêm thịt bò, trâu, lợn đồng thời sáng tạo ra nhiều loại nguyên liệu, công thức nấu khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa – Lào Cai, quê hương của món ăn độc đáo này.

Cách nấu thắng cố rất đơn giản, gia vị truyền thống gồm 12 thứ gồm thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng và nhiều thứ gia vị bí truyền khác, trong đó cây thắng cố là gia vị thứ 12. Thịt và “lục phủ ngũ tạng” được rửa sạch, luộc chín, đôi khi còn được ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị kể trên đã được đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ. Những nồi thắng cố ở các phiên chợ vùng cao rất lớn, đủ cho vài chục người ăn, còn trong các nhà hàng, từ nồi thắng cố lớn, lúc ăn mới múc ra nồi lẩu rồi thái thịt ngựa thả vào.

Chế biến Thắng cố

Để thưởng thức thắng cố với hương vị nguyên bản. Du khách nên đến với những phiên chợ của người H’Mông ở Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương. Đây là những nơi mà cách nấu và nguyên liệu nấu thắng cố vẫn chưa bị cải biến đi nhiều. Những bát thắng cố được múc ra phục vụ thực khách từ những chảo lớn sóng sánh thịt nạc, thịt mỡ và lục phủ ngũ tạng. Nội tạng ngựa được chế biến sạch có mùi thơm, ăn rất giòn; còn thịt ngựa bùi bùi, ngòn ngọt; ăn kèm với các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng, cải lẩu,… Chấm với loại nước chấm đặc biệt làm từ ớt Mường Khương nổi tiếng cay, nồng. Đây là món giúp thực khách xua tan đi cảm giác rét mướt của núi rừng vùng cao.

Nhiều thực khách không quen với cách chế biến cũng như cách ăn thắng cố của đồng bào dân tộc tại các phiên chợ vẫn có thể thưởng thức món ăn độc đáo này tại các nhà hàng. Nơi thắng cố được chế biến như những nồi lẩu, thịt và nội tạng ngựa cũng được chế biến “vệ sinh hơn”, hợp với khẩu vị và cách thưởng thức của người Kinh.

Với những người sành ăn, ăn thắng cố chắc chắn phải nhâm nhi với rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng – thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa của núi rừng. Bằng cách ấy, thực khách sẽ không chỉ được “no cái bụng”; mà còn “say cái tình” của đồng bào các dân tộc vùng cao; những con người chất phác, thật thà, mến khách.

Món mèn mén

Món mèn mén

Một trong những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa người H”Mông là mèn mén. “Mèn mén” vốn là một món ăn truyền thống của người H”Mông. Nó được gọi theo tiếng quan hỏa (Trung Quốc) có nghĩa là bột ngô hấp. Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ (giống ngô địa phương), ngô lai không làm được món này. Ngô xay thành bột, trộn với nước rồi đảo để bột ngô tơi ra, sau đó đổ vào chõ gỗ để đồ. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô. Đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau.

Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng. Bởi nó phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra thì đổ bột ngô ra mẹt. Sau đó dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra.

Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần hai bột ngô sẽ không chín kỹ. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ. Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà, ăn rất bùi, ngậy. Người H’Mông thường ăn món này với canh rau cải nương, canh bí đỏ, canh su su… Dễ ăn, dễ nuốt mà không bị sặc, tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Ăn kèm với mèn mén là ớt nướng, ớt càng cay càng tốt. Đúng vị nhất phải là ớt thóc, quả nhỏ xíu như hạt thóc; đem nướng lên giã với muối, ăn cùng với mèn mén ngon tuyệt.

Món phở Bắc Hà

Có lẽ chưa nơi nào lại tồn tại một chợ phở lớn như ở Chợ phiên Bắc Hà. Ở đây có tới gần 50 nhà nhóm lò, mỗi nhà trung bình một ngày bán 25kg bánh phở. Mỗi kg bánh phở ở đây làm được 4 bát; như vậy, sau mỗi phiên đã có tới gần 5.000 bát phở được bán. Phở truyền thống Bắc Hà có 3 loại chính: Phở chua, phở trộn và phở chan. Ngoài ra, tùy khẩu vị của từng thực khách, người bán hàng có thể chế biến những món phở kết hợp. Một bát phở chua gồm có bánh phở mới tráng còn nóng hổi. Cùng với thịt xá xíu, rau sống thái nhỏ, đậu xị, lạc, nước chua.

Yếu tố quyết định vị ngon cũng như sự nổi tiếng của một bát phở chua là nước chua. Việc ngâm, trộn rau cải với nước đường để chắt lọc được nước chua dùng chế biến phở là cả một quy trình khắt khe. Nhưng mà chất lượng của nước chua ấy phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người trộn.

Món phở trộn Bắc Hà của người H”Mông

Ngay cả các gia vị ăn kèm với phở cũng được làm thủ công. Đậu xị gồm đậu tương rang vàng sau đó ninh mềm rồi ủ trên gác bếp đến khi lên men sẽ được trộn với các gia vị: hạt dổi, hạt xẻn; thảo quả, gừng, ớt xào, tương ớt và rau sống ăn kèm. Ngoài món phở chua độc đáo, Bắc Hà còn có phở trộn và phở chan. Phở trộn được kết hợp bởi bánh phở đã chần qua, thịt xá xíu; các loại gia vị, một chút hành và nước dùng. Riêng phở chan lại có hai loại là phở xá xíu và phở gà. Nguyên liệu thịt xá xíu hầu hết được làm từ thịt lợn đen bản địa, còn trong phở gà là thịt gà bản chặt.

Mỗi loại phở được các đầu bếp kết hợp với các gia vị, rau khác nhau để tạo nên một món ăn độc đáo. Đối với phở truyền thống ở Bắc Hà, bánh phở chính là khác biệt lớn so với các loại phở khác. Ở đây, bánh phở được chế biến thủ công từ loại gạo nương có màu phớt hồng do người Phù Lá ở Lùng Phình trồng. Theo tên gọi địa phương là gạo seo ma làng. Tất cả các gia đình có nghề làm phở truyền thống đều tự chế biến bánh phở. Vì thế bánh phở mỗi nơi lại có vị đậm khác nhau.

Đặc sản rượu ngô Bản Phố

rượu ngô Bản Phố

Rượu ngô đã thành thức uống mang phong vị của núi rừng miền cao nguyên trắng. Nổi tiếng nhất là rượu ngô Bản Phố của đồng bào dân tộc H”Mông. Loại ngô làm rượu phải là ngô nếp, hạt màu vàng óng. Ngô được thu hoạch khi đã chín già trên cây. Sau đó họ đem chúng phơi nguyên bắp qua vài nắng. Cuối cùng họ chất lên gác bếp để bảo quản và nấu rượu dần.

Hồn vị làm nên thức rượu ngô hảo hạng ở Bản Phố chính là loại men làm từ hạt hồng mi, một loại cây họ cỏ; cùng loại với kê, quả như bông lau, có hạt màu đen nhỏ li ti; được trồng xen lẫn trên nương ngô, nương lúa. Người H”Mông lấy hạt hồng mi phơi khô cho vào cối đá nghiền nát, lọc lấy bột rồi đem nhào với nước. Sau đó nặn thành bánh nhỏ, đặt trên rơm và phơi ở chỗ ít nắng đến khi những bánh men khô lại. Đến khi chuyển qua màu trắng thì cất lên gác bếp dùng dần. Quy trình nấu rượu ngô của người dân Bản Phố khá kỳ công, theo cách nấu của bà con người H”Mông có từ nhiều đời nay.

Thường 3 lít rượu đầu rất nặng và cũng thơm ngon nhất. Thế nên gia chủ sẽ giữ lại để uống và tiếp khách. Rượu ngô Bản Phố là thức uống luôn có mặt trong những bữa cơm, rượu mời khách. Đặc biệt là trong các dịp lễ tết của người dân H”Mông ở Bắc Hà.

Nguồn: 24h.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.